Làng “tỷ phú” trên đỉnh Ngọc Linh

Giờ đây, lên đỉnh Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) nhiều người sẽ vô cùng ngạc nhiên bởi đồng bào Xê Đăng đã có những thay đổi và làm giàu từ Sâm Ngọc Linh. Cũng nhờ cây sâm, bà con đã xây được nhà cao tầng, sắm ô tô, xe gắn máy “xịn” chạy thẳng vào tận ngõ.

Đỉnh Ngọc Linh là đỉnh núi cao thứ hai Việt Nam (2.858 m), ở đỉnh núi mây mù này có một loại sâm được tin là tốt nhất thế giới mà người Xê Đăng thường gọi là “cây thuốc giấu”, hay Sâm Ngọc Linh, sâm Việt Nam. Loài thảo dược quý hiếm này đã giúp bà con làm giàu, có người trở thành tỷ phú. Sâm trồng ở núi Ngọc Linh bán với giá 150 triệu đồng/kg thì không giàu mới lạ!

Khi thần rừng ưu đãi

Chúng tôi tìm về làng tỷ phú nơi đỉnh trời Ngọc Linh, từ xã Tắk Pỏ của trung tâm huyện Nam Trà My, đi ngược dòng sông Tranh về hướng thượng nguồn, Ngọc Linh với những cánh đồng ruộng bậc thang trải dài tít tắp như một Tây Bắc thanh bình bất ngờ hiện ra giữa miền Trung. Vượt qua con dốc dựng đứng chúng tôi mới đến được bản làng cuối cùng, làng Tắk Lang, nằm cao nhất trên sườn núi Ngọc Linh lúc đứng trưa. Với người Xê Đăng, đây được xem là làng tỉ phú đầu tiên bởi các đại gia sở hữu những vườn sâm “khủng” đều đang an cư, lạc nghiệp ngay chính ngôi làng này.

'Làng tỉ phú' Tắk Lang với những ngôi nhà bê tông kiên cố

Nhìn ngôi làng bề thế kiên cố nơi đỉnh Ngọc Linh, ít ai biết được, khoảng 10 năm trước, về xã Trà Linh tìm “đỏ mắt” mới thấy một căn nhà đúng nghĩa, bởi hầu hết đều nghèo xơ xác. Nhưng nay, đã qua rồi cái thời đói kém, nghèo nàn, nhà cao tầng đã mọc san sát, đường ô tô cũng vào tận thôn.

Những căn nhà trông tưởng chừng đơn giản nhưng lại có giá trị không thua kém gì những căn biệt thự của các đại gia miền xuôi. Bởi công trình xây dựng nơi vùng núi chi phí đắt đỏ gấp 5 - 10 lần dưới đồng bằng do vận chuyển vật liệu nhiều khó khăn. Trong căn nhà khang trang trị giá gần 4 tỷ đồng đầy đủ tiện nghi, ông Nguyễn Cao Bằng, thôn Tắk Lang kể: “Tôi bắt đầu nghề trồng sâm từ năm 1990. Khi đó, mỗi ký Sâm Ngọc Linh chỉ có giá khoảng 30.000 đồng, thậm chí có lúc không bán được, sâm bị úng. Vậy mà ngoảnh lại, khi giá sâm Ngọc Linh tăng chóng mặt, đống lá ngày nào chỉ biết nấu nước uống nay đã hơn 10 triệu đồng mỗi ký lá tươi. Còn sâm củ thì đúng là một tấc lên trời, có thời điểm lên đến 15 - 200 triệu/kg. Vậy là tiền thi nhau đổ về, người dân ở đây đổi đời từ đó.”

Loài thảo dược quý hiếm này đã giúp bà con làm giàu, có người trở thành tỷ phú.

Hiện tại, gia đình ông đang cai quản hơn 2.000 gốc sâm Ngọc Linh, mỗi năm cho thu hoạch chừng 5 - 7 kg.

Hoành tráng nhất vùng là cơ ngơi của gia đình “vua sâm” Hồ Văn Hình với một "quần thể" nhà kéo dài gần 100 mét liền kề khiến ai cũng không khỏi trầm trồ. Phía dưới, một bờ kè chống sạt lở cao hơn 5 m xây bằng đá cũng ngốn của ông hơn 2 tỉ đồng. Phía trên bờ kè đầu tiên, một nhà xe dành riêng chỉ để ô tô, tiếp đến nhà để xe máy. Khu vực kế bên dùng chứa máy xay xát gạo, rồi đến nhà kho, bếp nấu ăn, cạnh đó là ngôi nhà hai tầng hơn 100 m2.

Chưa hết, một căn nhà kiểu biệt thự được lắp điều hòa các phòng. Tổng số tiền đầu tư cho dãy nhà này tính ra cũng hơn 10 tỷ đồng. Điều đặc biệt, ông Hình không chi trả bằng tiền mà lại dùng sâm để quy đổi.

Lập chốt giữ rừng

“Bao đời nay người dân bản địa chúng tôi đều nhờ vào rừng. Cây sâm Ngọc Linh cũng nhờ mẹ rừng ban tặng. Chúng tôi sẽ dồn mọi tâm huyết để giữ những cánh rừng còn sót lại. Mình giữ rừng, mai sau con cháu còn có nguồn thu”, già làng Hồ Văn Du chia sẻ.

Ít ai nghĩ rằng những căn nhà khang trang, bề thế như này lại xuất hiện ở nơi đỉnh trời

Đặc điểm cây sâm Ngọc Linh là sống dưới tán rừng, nơi có độ che phủ trên 80% và nhiệt độ giao động ở mức 20oC trở xuống. Vì lẽ đó mà muốn trồng sâm thì phải giữ rừng, phục hồi rừng. Phong trào lập chốt giữ rừng, trồng rừng trên đất nương rẫy ở Trà Linh cũng vì lẽ đó mà đã lan tỏa đến rất nhiều làng từ Tắk Lang, Măng Lùng tới Kon Pin, Tắc Ngo... và mỗi người dân đều là người bảo vệ rừng thực thụ.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Phó Chủ tịch huyện Nam Trà My kể, Trà Linh trước đây là xã khó khăn nhất của huyện, bao đời nay, người dân chủ yếu phát nương làm rẫy để mưu sinh, rừng già vì thế cứ thu hẹp dần, thay vào đó là những nương ngô, rẫy lúa. Kể từ khi có dự án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2016, cây sâm Ngọc Linh đã làm giàu cho bà con Xê Đăng. Từ đó, bà con nhận thấy giá trị từ rừng già và bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Bà con sống nhờ rừng, gắn bó với rừng, nay lại tìm cách giữ rừng thì còn gì mừng hơn.

Ông Nguyễn Cao Bằng chia sẻ với PV về giá trị của cây sâm Ngọc Linh

Đến nay, huyện Nam Trà My đã giao hơn 12.000 hec-ta rừng tự nhiên, hơn 6.000 hec-ta rừng phòng hộ và gần 15.000 héc-ta rừng đặc dụng cho cộng đồng quản lý bảo vệ. Thông qua việc tăng cường công tác giữ rừng, các nhóm hộ được hưởng lợi từ việc giao khoán, chi trả dịch vụ môi trường rừng với kinh phí khoảng 350 nghìn/ha.

Ngoài ra, bà con sẽ được quyền khai thác các loại lâm sản phụ như: Mây, đót, hạt ươi, nấm rừng, mật ong... Đặc biệt hơn, từ diện tích rừng tự nhiên được giao khoán, bảo vệ, các nhóm hộ tổ chức trồng sâm Ngọc Linh và các loài cây dược liệu dưới tán rừng để tăng thu nhập, làm giàu cho gia đình. Với phương pháp gắn quyền lợi với trách nhiệm đã phát huy tốt ý thức của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Được phát hiện vào năm 1973 trên núi Ngọc Linh, Sâm Ngọc Linh là loại sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới, chỉ mọc ở nơi có độ cao từ 1.200 m trở lên. Thân và rễ của sâm Ngọc Linh có tới 52 saponin (đây là thành phần chính của nhân sâm, càng nhiều saponin càng tốt). Có 26 saponin thường thấy ở nhân sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật Bản và 26 saponin mới phát hiện.

"Mãnh hổ" giữ rừng lim độc nhất ở Trường Sơn/ Người giữ rừng thông đỏ trên núi Voi/ Chung tay gìn giữ rừng giáng hương quý hiếm”

Hàng ngàn hec-ta rừng Ngọc Linh đang được đồng bào Xê Đăng gìn giữ. Đối với họ rừng như một vị thần che chở, ban tặng cho dân làng Xê Đăng dưới đỉnh Ngọc Linh cuộc sống no ấm giàu sang, vì vậy, sống nhờ rừng, phải giữ rừng bền vững cho tương lai.

Tin liên quan