Ngẫm về ứng xử với thiên nhiên trong đại dịch

Văn hóa ứng xử với môi trường có từ ngàn xưa, dù đây là khái niệm được coi là mới mẻ và có rất nhiều định nghĩa khác nhau. Không những thế, văn hóa đó giờ đây đang được hiểu lệch lạc và thực thi ngày càng tệ hơn dù cũng có nhiều cố gắng để vớt vát.

Đối thoại với núi rừng. Lần lên huyện Nam Trà My cách nay hơn năm của tôi là chuyến đi khá đặc biệt.
Vào thị trấn Nam Trà My lọt thỏm giữa đại ngàn Tây Nguyên, chúng tôi lại được gặp một số nhà khoa học nghiên cứu dược liệu, đặc biệt được trò chuyện với ông Trần Bá Cương, anh trai của tỷ phú Trần Bá Dương của ô tô Trường Hải. Ông Cương từng có thời làm Tổng Giám đốc Trường Hải, nghe nói giờ đang nuôi tôm ở miền Tây. Ông lên xem xét vùng sâm để trước mắt có ý kiến cho Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu. Ông đi nhiều nước, từng đến vùng trồng sâm của Canada. Ông có kiến thức dày dặn, ngôn từ dễ hiểu khiến người nghe thích thú.
Trong trò chuyện, tôi có đề cập đến văn hóa - lối sống “luân canh - luân cư”, chứ không phải là “du canh - du cư” của đồng bào Tây Nguyên, họ đốt rẫy làm nương, 3 mùa rẫy rồi đi đốt khoảnh rừng khác, nhưng sau đó họ lại quay lại chỗ cũ tiếp tục làm nương rẫy khi đất đã màu mỡ trở lại.
Người Tây Nguyên sống nhờ rừng nên họ không hề có ý định phá hoại rừng. Nhà sàn của họ cũng chỉ dùng dăm ba cây gỗ tầm bắp chân, thú đi săn về chỉ cần đủ dùng… Nhưng xã hội thay đổi, người dân có thể vào rừng khai thác lâm sản nhiều hơn để bán cho thương lái. Nhưng xin nhấn mạnh, khiến rừng núi thành đất trống - đồi trọc chỉ có phương tiện cơ giới mới làm được chứ dao rựa của bà con là không thể.
Người dân Tây Nguyên cũng dần thay đổi ít nhiều về lối sống, họ không chỉ say với rượu cần làm bằng kê hay sắn… được ủ bằng men lá để thổn thức tiếng cồng, tiếng chiêng, lắc lư với điệu xoang mà còn be bét với rượu gạo có khi bị pha cồn công nghiệp.
Hôm lên huyện Nam Trà My đúng dịp lễ hội sâm Ngọc Linh, chúng tôi chứng kiến những người nông dân ở đây bán những củ sâm với giá hàng triệu đồng, cứ 90 triệu đồng/kg. Cách nay vài ngày, qua điện thoại, anh Hồ Quang Bửu, nay là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Sâm đã lên 200 triệu đồng/kg rồi”.
Anh cho biết thêm đồng bào đang xây miếu thờ để tạ ơn thần linh cho họ cây sâm quý để giàu lên, thoát đói nghèo và giúp họ lấy lại ý thức bảo vệ rừng, vì cây sâm Ngọc Linh chỉ sống dưới tán rừng có độ che phủ trên 70%. Hiện địa phương này có vài chục nghìn héc ta sâm, với 500ha đã cho khai thác củ sâm, lá sâm. Nhiều đại gia trong và ngoài nước đã đến nơi đây tìm cách hợp tác trồng và chế biến sâm.
Câu chuyện giữa núi rừng Tây Nguyên, chuyện làm giàu mà không phá hoại núi rừng, sông suối… hé lộ nhiều vấn đề về giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế đến bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên. Khi con người biết bảo vệ thiên nhiên thì thiên nhiên sẽ ban tặng những thứ để con người có thể sống được. Nghĩa là, chúng ta không chỉ hô hào, kêu gọi suông mọi người phải ứng xử tốt với thiên nhiên mà còn phải đề xuất được giải pháp để con người và thiên nhiên chung sống, cùng tồn tại mãi mãi.
Với con sông quê hương. Về quê, tôi thường ra bờ đê lặng ngắm dòng sông La, Hà Tĩnh. Thuở nhỏ, những ngày bơi lội trên sông, chúng tôi như những con cá nhỏ trong làn nước trong xanh, uống nước sông không ngại ngần. Sông bây giờ màu nước có vẻ đổi thay, hai bên bờ đê có những bãi rác nhỏ. Mới đây vụ xả hồ sông Ngàn Trươi (thượng nguồn sông La) khiến con sông này nhiễm độc, đổi màu khiến lòng người yêu sông quê quặn đau.
Mỗi vùng văn hóa đều có một cặp hình tượng núi - sông, như núi Ấn - Sông Trà (Quảng Ngãi), sông Hương - núi Ngự (Thừa Thiên - Huế), núi Hồng - sông Lam (Nghệ Tĩnh), hay núi Nùng - sông Tô (Hà Nội)… Đây là cặp hình tượng không đơn thuần chỉ nói về thiên nhiên mà còn gắn liền với dòng chảy văn hóa, lịch sử, con người của từng địa phương, nhiều địa phương hợp lại thành đất nước. Sông núi cũng là khái niệm hàm chứa đất nước, Tổ quốc; bảo vệ sông núi là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cương vực, con người, gia đình, làng xã…
Vậy mà nhiều dòng sông đã bị bức tử, nhiều ngọn núi trở nên trọc lóc, bị khai thác đất đá nham nhở, những cánh rừng giàu nghèo đi hoặc trở thành đất trồng cây ăn quả, cây công nghiệp.
Khái niệm mới và văn hóa của cha ông. Như đã nói, khái niệm “Văn hóa môi trường” được các nhà khoa học đưa ra cách nay vài năm và đang là mới mẻ. Tuy nhiên, việc xác lập quan hệ của con người với thiên nhiên, với trời và đất đã có từ hàng ngàn năm nay trong khoa học phương Đông, điển hình là thuyết tam tài: Thiên - Địa - Nhân. Các nhà khoa học hiện đại coi trọng văn hóa ứng xử đúng đắn của con người với thiên nhiên (coi thiên nhiên là mỏng manh, là tài nguyên hữu hạn…) và tách biệt con người ra khỏi thiên nhiên, để quan sát thiên nhiên và có cách sống phù hợp để gìn giữ thiên nhiên.
Người xưa quan niệm khác: Con người là một phần của thiên nhiên không thể tách rời, con người cũng là thiên nhiên, một tiểu vũ trụ. Không nói đến những triết lý sâu xa, hãy đọc câu: “Người ta hoa đất”. Con người và đất đâu có tách rời? Hay đọc câu ca dao: “Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/ Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/ Em đã có chồng anh tiếc lắm thay”. Một “tình thế yêu đương” khá éo le cũng đầy chất thiên nhiên.
Cách đây không lâu, có nhà nghiên cứu phê phán những người tranh giành, dẫm đạp hoa là “văn hóa tiểu nông”. Xin thưa, người lao động Việt Nam chủ yếu là nông dân sản xuất nhỏ lẻ và văn hóa ứng xử với thiên nhiên cũng là với con người và con người của họ như thế này: “Giữa đường thấy cánh hoa rơi/ Hai tay nâng lấy cũ người mới ta”.
Đó là dân gian. Còn những hiền nhân đạt đến cảnh giới cao nhất của cuộc sống con người cũng là lúc hòa quyện với thiên nhiên. Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu: “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao/ Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp/ Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao” thể hiện cách sống chọn thiên nhiên là lối về. Hay hai câu thơ của Nguyễn Du in trên đĩa gốm mai hạc cổ: “Nghêu ngao vui thú yên hà/ Mai là bạn cũ, hạc là người quen”, thiên nhiên và con người là một gia đình lớn.
Những ngày gần đây, đại dịch Covid - 19 hoành hành, con người bỗng vô tình đối xử với thiên nhiên một cách tốt hơn, hệ quả là môi trường không khí ở các thành phố lớn tốt hơn, có nơi ở Ấn Độ gần nửa thế kỷ nay mới thấy dãy Himalaya cách cả trăm cây số; tầng ozon cũng vừa được vá lại…
Thế giới đang đứng trước nhiều hiểm họa thiên nhiên do con người gây ra: Trái đất nóng lên khiến bão lụt hoành hành, đất lở, băng tan; rác thải nhựa tràn ngập; những dòng sông, bãi biển chết dần; những cánh rừng trở nên dễ cháy rụi, hiện tượng hoang mạc hóa… Nói đâu xa, Đồng bằng sông Cửu Long khô hạn, bị nhiễm mặn vì nước thượng nguồn bị chặn do những con đập.
Trong mối quan hệ Thiên - Địa - Nhân, con người có tính linh động rất cao, mọi họa trong đó có thiên họa chủ yếu do con người gây ra. Nguyễn Trãi từng đúc kết: “Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay/ Trong thế giới phút chim bay/ Non cao non thấp mây thuộc/ Cây cứng cây mềm gió hay/ Nước mấy trăm thu còn vậy/ Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn này/ Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết/ Bui một lòng người cực hiểm thay”.
Chỉ có lòng người thay đổi mới cứu vãn được thiên nhiên và cũng chính là cứu con người. Dịp đại dịch lần này chính là cơ hội để con người nhìn lại thái độ ứng xử với thiên nhiên. Trong lúc chưa phải hối hả với công việc, hãy ngẫm nghĩ làm sao để sống tốt với thiên nhiên hơn.

Đang có sai lầm về quan niệm kiến trúc xanh

"Tôi cho rằng đang có những sai lầm trong quan niệm về kiến trúc xanh. Không thể trồng cái cây lên mái, làm dòng nước trong nhà là xanh. Đó là chủ nghĩa hình thức. Kiến trúc phải theo một nghĩa là tuần hoàn, không rác thải, tiết kiệm năng lượng..., đó mới là nội hàm khoa học.

Và kiến trúc xanh nó không chỉ nằm trong một tòa nhà, một khu đô thị mà là tổng hòa của tất cả. Kiến trúc đó phải sống chung được với thách thức dịch bệnh, biến đổi khí hậu… Sự tổng hòa nó nằm ở những ví dụ như phải có trách nhiệm giữ sạch nước của dòng sông Hồng để giữ sạch lưu lượng hệ thống nước chảy của TP, không thể đổ rác hoặc đổ phế thải ra đó được.

Biến đất bán ngập thành những nơi trong lành chứ không phải để hoang phế, định cư bất hợp pháp tràn lan. Tất cả những chỗ đó phải đóng góp và không gian xanh, tái lọc lại không khí, cân bằng cảnh quan cho đô thị.

Ở thời buổi thách thách thức về dịch bệnh như bây giờ, chúng ta phải được đem ra bàn thảo lại về quan niệm kiến trúc đô thị xanh, để có một chiến lược tốt để tái lập lại trật tự mới trong một nền kinh tế tiêu dùng. Vì sự phát triển bền vững, phải kiểm toán lại tài nguyên xem mình còn gì, cái gì bị mất đi, cái gì cần tái tạo, cái nào có thể sử dụng…" - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, KTS Trần Huy Ánh


Còn tồn tại một số vấn đề khiến du lịch xanh chưa phát triển mạnh mẽ

"Thời gian qua, một số địa phương, công ty lữ hành, khách sạn đã có nhiều lưu ý trong việc phát triển du lịch xanh, như tại một số tỉnh Tây Bắc đã có du lịch cộng đồng; Thừa Thiên - Huế chú trọng vào du lịch nhà vườn; Nha Trang tập trung về du lịch biển, đảo; một số tỉnh Nam Bộ "tranh thủ" với mô hình miệt vườn để làm dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, nhiều công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch xanh; khách sạn đạt chứng chỉ xanh...

Tuy nhiên, hoạt động du lịch còn tồn tại một số vấn đề khiến du lịch xanh chưa được phát triển mạnh mẽ, cụ thể: Phát triển du lịch chưa gắn với khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn t&agrav

Tin liên quan