Tại vườn sâm Chi bộ thôn 2 (xã Trà Linh), 50 gốc sâm giống 1 năm tuổi được các đảng viên gói cẩn thận, chia thành 5 bọc nhỏ, để chuẩn bị tặng cho 5 hộ đảng viên có hoàn cảnh khó khăn trong chi bộ.
Ông Hồ Văn Đuôi - Bí thư Chi bộ thôn 2 cho biết, mỗi năm vườn sâm chi bộ gieo ươm khoảng 100 - 200 hạt, tùy từng năm, hoàn cảnh mà số hộ được tặng và số sâm tặng mỗi hộ khác nhau.
“Hộ đông con, có người ốm đau hay neo đơn sẽ được tặng nhiều sâm hơn những hộ còn lại. Chúng tôi cũng hướng dẫn bà con chăm sóc sao cho hiệu quả cao nhất, sâm ít bị bệnh, giảm bớt được tình trạng chuột cắn phá” - ông Đuôi chia sẻ.
Được nhận sâm giống lần này, chị Hồ Thị Vẽ (làng Tak Ngo, thôn 2) xúc động. Bởi nhiều năm nay dù chăm chỉ làm ăn nhưng cuộc sống gia đình chị vẫn còn khó khăn, sâm trồng được bao nhiêu đều bị hư hại do sương muối và chuột cắn phá.
“Được chi bộ quan tâm, gia đình tôi mừng lắm, giờ trồng số sâm này, phải lo bảo vệ, không để chuột cắn phá nữa. Không riêng tôi, các đảng viên khó khăn và bà con trong thôn, ai cũng vui vì được tặng sâm giống” - chị Vẽ tâm sự.
Ngoài số sâm do chi bộ tặng, ông Hồ Văn Đuôi còn hỗ trợ sâm giống của nhà mình cho các hộ khó khăn trong thôn. Đặc biệt, người Xơ Đăng có phong tục tặng sâm Ngọc Linh cho các cháu nhỏ dịp thôi nôi, sinh nhật, tặng sâm nhân dịp cưới hỏi, mừng nhà mới... để các hộ có vốn làm ăn.
“Bây giờ mà cho tiền thì bà con cũng tiêu rồi hết, mà trẻ nhỏ thì nhận tiền để làm gì, cũng không có chỗ để tiêu. Nên mình tặng sâm, bây giờ tặng 5 cây, 10 cây, mấy năm sau các cháu sẽ có thêm 20, 30 cây, để làm vốn sau này” - ông Đuôi nói.
Tặng sâm Ngọc Linh cũng là cách để người Xơ Đăng rỉ tai nhau về trách nhiệm bảo vệ rừng. Mỗi cây sâm được tặng, đồng nghĩa với một khoảng rừng được bảo vệ, họ tặng sâm cho trẻ nhỏ, cũng là cách giáo dục chúng về cách giữ rừng.