Tạo động lực và nguồn lực
Cuộc vận động “3 cán bộ, công chức giúp 1 hộ thoát nghèo” đã trở thành phong trào sâu rộng trong tất cả ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân huyện Nam Trà My. Qua đó góp phần tạo động lực và nguồn lực để hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế.
Tại xã Trà Vinh, trang trại của anh Hồ Văn Dương đã trở thành mô hình được thanh niên trong xã tìm đến học hỏi. Anh Dương nói, trước đây khao khát làm ăn thoát nghèo nhưng không biết bắt đầu như thế nào cho hiệu quả.
Sau khi được Đoàn xã Trà Vinh vận động, chàng trai người đồng bào Ca Dong này đã mạnh dạn đăng ký vay vốn 100 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Trà My.
Từ nguồn vốn vay này, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của người đi trước là Bí thư Đoàn xã Trà Vinh - Hồ Văn Gương, anh Dương đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi dê trong vườn nhà. Từ 8 con giống ban đầu, đến nay bầy dê đã phát triển lên 16 con. Anh Dương mua thêm 5 con trâu và bò về chăn thả.
Kinh tế ổn định, năm 2021 anh Dương đăng ký thoát nghèo bền vững. Sau khi đăng ký, anh tiếp tục được hỗ trợ, đầu tư thêm 1.000 cây quế giống, nâng số cây quế đang trồng trong vườn nhà lên hơn 5.000 cây. Anh còn trồng và tham gia vào nhóm hộ gia đình trồng 10.000 cây sâm 7 lá.
Ngoài ra, Đoàn xã Trà Vinh hỗ trợ gia đình anh Dương và 9 đoàn viên thanh niên thoát nghèo khác nhiều loại cá giống với tổng số tiền hơn 15 triệu đồng. Đến nay, gia đình anh Dương đã thành hộ khá và quay trở lại giúp đỡ những thanh niên khác có ý chí vươn lên phát triển kinh tế.
Anh Hồ Văn Gương - Bí thư Đoàn xã Trà Vinh cho biết, đồng hành với chương trình giảm nghèo tại địa phương, thời gian qua, Huyện đoàn Nam Trà My giao chỉ tiêu mỗi cơ sở đoàn hỗ trợ, giúp đỡ 2-3 đoàn viên thanh niên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, Huyện đoàn phối hợp với các phòng ban chức năng hỗ trợ thanh niên trong xã tham gia các lớp tập huấn bổ sung, nâng cao kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt như cây dược liệu, sâm ngọc linh, nuôi dê…
“Mình là Bí thư Đoàn xã nên đã mạnh dạn làm trước, xây dựng mô hình phát triển kinh tế gia đình. Thấy mình làm hiệu quả, đoàn viên thanh niên tới tham quan. Mình lấy thực tế của gia đình ra chứng minh, vận động họ cùng làm ăn thoát nghèo sẽ dễ hơn” - anh Gương chia sẻ.
Đơn vị kết nghĩa đồng hành
Phát huy mọi nguồn lực để hỗ trợ cho xã nghèo, hộ nghèo là cách mà Nam Trà My đang thực hiện khá hiệu quả. Đặc biệt, các đơn vị kết nghĩa với địa phương cấp xã của Nam Trà My cũng đã vào cuộc tích cực trong hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững.
Nhiều năm qua, bằng sự hỗ trợ của đơn vị kết nghĩa, xã Trà Cang đã có thêm nguồn lực đầu tư cho các công trình dân sinh, sinh kế cho người dân.
Như Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai hỗ trợ Trà Cang làm đường dân sinh nối các điểm dân cư và hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng.
Công ty cũng tham gia nhiều hoạt động tại xã Trà Cang, hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo. Hay như Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam cùng với các hoạt động thăm, giao lưu..., tổ chức khảo sát tìm hiểu khó khăn của xã để có cách hỗ trợ hiệu quả nhất.
Ban quản lý đã dành thời gian, nguồn lực và nhân lực giúp xã Trà Cang hoàn thành Phương án quy hoạch, xây dựng khu dân cư tập trung tại thôn 4, với quy mô diện tích 6ha, bố trí dân cư cho 40 hộ dân.
Ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết: “Các đơn vị kết nghĩa với xã Trà Cang luôn khảo sát nhu cầu của xã và người dân trước khi xác định phương án giúp đỡ nên mang lại hiệu quả cao hơn.
Những vấn đề xã cần và không làm được thì đề xuất đơn vị kết nghĩa có đủ khả năng, nhân lực như lập phương án quy hoạch hay khảo sát địa hình để xây dựng khu tái định cư tập trung đảm bảo an toàn cho người dân.
Việc hỗ trợ sinh kế cho người dân cũng phải khảo sát cụ thể, phù hợp với điều kiện của xã, điều kiện lao động của hộ nghèo để phát huy hiệu quả tốt hơn”.
Đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo về “người thực việc thực”
Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong định hướng cho hộ nghèo về phương hướng thoát nghèo bền vững, nên huyện Nam Trà My đã và đang đẩy mạnh truyền thông theo hướng khai thác “người thực việc thực”.
Theo đó, huyện, xã tập trung tổ chức nói chuyện chuyên đề, phổ biến cho hộ nghèo về chính sách giảm nghèo, kinh nghiệm, gương điển hình về giảm nghèo tại cộng đồng dân cư.
Ngoài ra, tuyên truyền, phổ biến thông qua các hoạt động thông tin lưu động ở cơ sở, ưu tiên thực hiện trên đài truyền thanh xã. Các chính sách khen thưởng, động viên, sinh kế hỗ trợ cũng được ưu tiên dành cho hộ đăng ký thoát nghèo bền vững...(D.LỆ)
Nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo bền vững ở cơ sở
Thực hiện Dự án 7 về nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Nam Trà My sẽ tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo bền vững ở cơ sở.